Quảng Trị

Written by lethanhdzuy@gmail.com

Tôi đến Quảng Trị trong một ngày nắng gắt khó chịu.

Thành phố Đông Hà.

Nằm ở ngã ba Quốc lộ 1A và Quốc lộ 9. Đông Hà là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế và thương mại của tỉnh Quảng Trị.

Chợ Đông Hà.

Vừa đói vừa mệt, ghé vào chợ Đông Hà tìm món gì đó thật đã cái bụng để tiếp sức. Chạy một vòng quanh rìa ngoài chợ mà không khám phá được gì nhiều, tôi quyết định gửi xe và đi bộ vào trong. Vừa vào tôi đã thấy các quầy hàng được sắp xếp khá quy củ theo từng khu, nhưng lúc này tôi chỉ còn nghĩ đến cái bụng của mình và đảo mắt tìm kiếm khu ăn uống.

– Eng, ăn bưa chưa? (Anh, ăn no chưa?)

– Dạ chị hỏi em ạ?

Một bà chị cười rất tươi đon đả mời tôi vào quầy của chị.

– Ăn bưa chưa? Là ăn no chưa á?

– Dạ em vừa mới nghỉ chân chưa ăn gì ạ.

– Bựa ni nắng, tau cũng mệt đừ. (Mấy hôm nay nắng, tao cũng mệt phờ cả ra.)

Tôi chỉ biết cười trừ vì chẳng hiểu rõ chị ấy đang nói cái gì. Nhìn một lượt menu đồ ăn, tôi gọi một suất bún hến. Nghe bảo đây là đặc sản của vùng Bình Trị Thiên.

Làng Mai Xá.

Theo những gì tôi nhớ trong lần đọc trên mạng thì bún hến đến từ làng Mai Xá (xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Gọi là bún hến nhưng món ăn này thực ra làm từ con chắt chắt chứ không phải con hến như tên của món ăn. Chắt chắt nhỏ hơn hến một chút nhưng có vị bùi, béo ngậy hơn. Chắt chắt được làm sạch và phi thơm với hành, gia vị cho đến khi săn lại rồi đổ nước vào. Rồi cho thêm miếng gừng để nồi nước dùng thêm ngon lành, ít béo. Cho bún vào bát, thêm ít rau thơm, ngò lên trên và chan một vá nước dùng là có thể thưởng thức ngay. Ăn cũng lạ miệng ra phết.

Được cái tôi gọi suất khá lớn nên ăn xong thấy nhiều năng lượng hơn hẳn. Gửi tiền cho bà chị rồi đứng dậy ra lấy xe. Đi được mấy bước thì chị gọi với ra:

– Eng, tiền nì. (Anh ơi tiền thừa này.)

Hóa ra là tôi quên mất không lấy tiền thừa. Tự dưng thấy bà chị cũng dễ thương.

– Tau đau trôốc quoái mi ơi. (Tao đau đầu với mày quá mày ơi.)

Tôi đi khuất bóng rồi mà vẫn thấy tiếng chị ấy văng vẳng ở góc chợ.


Cầu Hiền Lươngvĩ tuyến 17.

Từ thành phố Đông Hà chạy ngược lên phía Bắc, tôi chọn điểm đến tiếp theo cho mình tại cầu Hiền Lương, bắc qua sông Bến Hải, tại thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Chẳng biết bằng cách nào tôi có thể biết được cây cầu Hiền Lương nằm ở hướng Quốc lộ 1A cũ, thế là tôi cứ rẽ theo đường cũ mà đi.

Để đến một trong những chứng nhân lịch sử tối quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của quê hương, đất nước.

Năm 1954, sau khi để thua trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Pháp đồng ý trao trả độc lập cho Việt Nam theo Hiệp định Genève. Sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh giới chia Việt Nam thành hai vùng tập kết quân sự: Quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rút về miền Bắc, quân đội Liên hiệp Pháp rút về miền Nam. Thoạt tiên việc chia thành hai vùng quân sự này không có ý nghĩa về lãnh thổ hay chính trị, và chỉ có giá trị trong vòng hai năm, từ năm 1954 đến năm 1956 rồi sau đó sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử để hoàn toàn thống nhất đất nước. Sau khi thiết lập ranh giới phi quân sự, theo hiệp định, quân đội Việt Minh từ miền Nam phải tập kết ra Bắc, quân đội Pháp từ miền Bắc phải tập kết vào Nam. Giữa hai quân đội là “Vùng phi quân sự” tính từ 5 ki-lô-mét từ mỗi bên Sông Bến Hải được sử dụng làm “vùng đệm” nhằm tránh sự xung đột (hoạt động thù địch) có thể xảy ra giữa hai quân đội.

Nhưng năm 1956, Ngô Đình Diệm, tổng thống Việt Nam Cộng hòa, từ chối không tham gia cuộc tổng tuyển cử cho nên sông Bến Hải tiếp tục chia cắt đất nước và làm ly tán nhiều gia đình ở hai miền Việt Nam. Ngày nay, ở bờ Nam sông Bến Hải có một tượng đài với tên gọi: “Khát vọng thống nhất non sông”. Tượng đài có hình dáng của một thiếu phụ đang đứng ở bờ Nam sông Bến Hải nhìn về phía Bắc để tưởng nhớ những ngày tháng đau thương khi họ không thể vượt sông để gặp chồng và người thân.

Cuộc chiến màu sắc.

Trong sự mâu thuẫn chính trị giữa hai bên, cây cầu Hiền Lương và dòng sông Bến Hải bị cuốn vào cuộc tranh chấp vì đây là nơi giáp mặt của hai chính quyền đối lập. Ở đoạn giữa cầu có một vạch trắng kẻ ngang, rộng 1cm được dùng làm ranh giới. Thoạt đầu Việt Nam Cộng hòa chủ động sơn một nửa cầu phía nam thành màu xanh, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liền sơn tiếp màu xanh một nửa cầu còn lại. Sau Việt Nam Cộng hòa lại chuyển sang màu nâu thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sơn lại màu nâu. Cứ như thế, cầu Hiền Lương luôn thay đổi màu sắc, hễ Việt Nam Cộng Hòa sơn một màu khác đi để tạo ra hai màu đối lập thì ngay lập tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liền sơn lại cho giống. Cuối cùng vào năm 1975, cây cầu có chung một màu xanh thống nhất.

Cuộc chiến âm thanh.

Những năm 1954-1964 là giai đoạn không còn tiếng súng ở đôi bờ giới tuyến, song cuộc chiến bằng tiếng nói đã diễn ra ở đây rất căng thẳng và quyết liệt giữa hai phe đối lập.

Lúc đầu, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho xây dựng một hệ thống loa phóng thanh được phân bố thành 5 cụm trong chiều dài 1.500m ở bờ Bắc, mỗi cụm gồm 24 loa có công suất 25W.

Sau những ngày phát sóng đầu tiên, hệ thống loa phóng thanh này không thể át được các loa do Tây Đức, Úc cung cấp phát với âm thanh lớn hơn của chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trả đũa bằng cách tăng thêm 8 loa có công suất 50W và 1 loa có công suất 250W được viện trợ từ Liên Xô. Ngược lại chính quyền Việt Nam Cộng hòa được Mỹ viện trợ cho những loại loa tối tân hơn, vang xa hàng chục cây số.

Vào đầu năm 1960, một giàn loa của Mỹ với công suất của mỗi loa lên tới hàng trăm oát được chuyển đến và đặt tại bờ Nam sông Bến Hải. Lúc bấy giờ chính quyền Việt Nam Cộng hoà tuyên bố: “Hệ thống loa “nói vỡ kính” này sẽ vang tận Quảng Bình, dân bờ Bắc sẽ nghe rõ tiếng nói của “chánh nghĩa Quốc gia”!” Không chịu thua, lúc bấy giờ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lắp đặt chiếc loa có công suất 500W với đường kính rộng đến 1,7m và bổ sung thêm 20 loa loại 50W, 4 loa loại 250W của Liên Xô tại chiến tuyến Bến Hải. Khi thuận gió, tiếng loa có thể truyền xa hơn 10km.

Để có đủ điện cho hệ thống loa có tổng công suất 7.000W này hoạt động, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải xây dựng một đường dây cao thế 6KVA dài gần 10km, kéo dài từ thôn Tiên An, Vĩnh Sơn đến thôn Tùng Luật, Vĩnh Giang. Ngoài ra, còn có một trạm cao tần đặt tại Liêm Công Phường cách cầu Hiền Lương 2,5km về phía bắc để tăng âm cho hệ thống loa.

Cuộc “đấu khẩu” giữa hai phía qua hệ thống loa là những lời tuyên truyền chính trị chỉ trích đối phương, thường là những tin không có lợi hoặc có thể trái ngược với thực trạng. Mỗi ngày buổi phát thanh kéo dài 14-15 tiếng đồng hồ, có khi phát vào lúc 1 – 2 giờ sáng, mở hết công suất làm người dân cả hai bờ đều nghe thấy.

Vào giai đoạn 1954 – 1964, ở đôi bờ Bến Hải vang vọng trong ký ức của một giọng ca ngọt ngào, truyền cảm của nghệ sĩ Châu Loan của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với những bài thơ, bài hò do nghệ sĩ thể hiện rất biểu cảm:

“Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội,

Thiếp xa chàng ngày đợi đêm trông.

Trong đồn chàng có nhớ thiếp không?

Ngoài này thiếp vẫn chờ mong chàng về.”

Cuộc chọi cờ.

Theo quy định của hiệp định Genève, các đồn trạm công an dọc hai bờ Hiền Lương được phép treo cờ lên hàng ngày. Việc treo cờ thực tế không hề đơn giản. Dưới bom đạn của quân thù, các chiến sĩ đồn công an Hiền Lương đã kiên cường chiến đấu bảo vệ và giữ cho lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trên bầu trời giới tuyến. 

Lúc đầu, vào năm 1954 – 1956, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho làm một cột cờ bằng cây phi lao cao 12m để treo một lá cờ có khổ 3,2m x 4,8m. Ở bờ Nam, Pháp cắm cờ tam tài lên nốc lô cốt Xuân Hoà ở bờ Nam cao 15m. Theo yêu cầu của nhân dân giới tuyến, cờ của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải cao hơn cờ Việt Nam Cộng hòa nên những người lính của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã vào rừng sâu để tìm bằng được một cây gỗ cao 18m, cao hơn cột cờ của Pháp 3m và treo một lá cờ bằng vải sa tanh rộng 24m.

Ngay sau đó, Ngô Đình Diệm đã cho dựng một trụ cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m tại bờ Nam. Trên đỉnh treo một lá cờ Việt Nam Cộng hòa lớn, có hệ thống đèn huỳnh quang nhấp nháy đủ màu. Khi dựng cờ xong, họ cho loa chiến tranh tâm lý hướng sang bờ Bắc tuyên truyền: “Tổng thống Việt Nam Cộng hoà cho dựng cột cờ cao 30m ở Vĩ tuyến 17 để dân chúng miền Bắc thấy rõ chánh nghĩa Quốc gia”.

Tháng 7 – 1957, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam đã gia công một cột cờ bằng thép ống cao 34,5m tại Hà Nội rồi vận chuyển vào giới tuyến. Trên đỉnh cột cờ gắn một ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2m, 5 đỉnh ngôi sao gắn một chùm bóng điện loại 500W, lá cờ rộng 108m2.

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước sự kiện này xây tiếp cột cờ của họ lên thành 35m và cất loa: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muốn chọi cờ nhưng chọi sao nổi với Quốc gia”.

Năm 1962, thêm một lần nữa, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam gia công một cột cờ cao 38,6m rồi chuyển vào dựng ở Hiền Lương, kéo lên lá cờ đại 134m2, nặng 15kg, cách đỉnh 10m có một cabin để lính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng treo và thu cờ. Cột cờ này được xem là cột cờ cao nhất giới tuyến. Hàng ngày, lính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kéo cờ lên sớm hơn và hạ cờ xuống muộn hơn giờ quy định (6h30’ đến 18h30’) để cho những người đi làm sớm, về muộn cũng nhìn thấy được.

Theo ước tính, từ ngày 19 tháng 5 năm 1956 đến ngày 28 tháng 10 năm 1967, những người lính an ninh miền Bắc giới tuyến đã treo hết 267 lá cờ cỡ lớn. Sau khi cột cờ bị bom Mỹ đánh gãy vào năm 1967, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thêm 11 lần dựng cờ bằng gỗ cao 12 – 18m, 42 lần lá cờ bị bom phá hỏng.

Mặc dù Việt Nam Cộng hòa huy động hàng trăm chiếc máy bay ném bom và hàng vạn đạn pháo cỡ lớn từ Dốc Miếu, Cồn Tiên bắn ra, từ Hạm đội 7 ngoài biển bắn vào, nhưng vẫn không thể làm sập được cột cờ ở bờ bắc sông Bến Hải. Đến ngày 2 tháng 8 năm 1967, họ lại tập trung nhiều tốp máy bay thay nhau đánh phá liên tục suốt ngày làm cho cột cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị gãy và đánh sập cầu Hiền Lương. Tối hôm đó, loa của Việt Nam Cộng hòa loan rằng: “Cột cờ của Bắc Việt trên đầu cầu Hiền Lương đã bị không lực Hoa Kỳ đánh tan tành tro bụi”. Nhưng ngay đêm hôm đó, một cột cờ mới được dựng lên. Sáng hôm sau, trong lúc loa Việt Nam Cộng hòa đang đọc bản tin thì lá cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục xuất hiện.


Địa đạo Vịnh Mốc trên đường bờ biển đẹp bất ngờ.

Từ cầu Hiền Lương, tôi chạy xe dọc theo dòng sông Bến Hải đổ ra biển. Một lúc là tôi đã ra đến cửa sông, màu nâu của phù sa hòa mình với màu xanh của biển cả.

Mới đó mà đã ra tới biển Cửa Tùng. Tôi không định chơi ở Cửa Tùng lúc này, cả người cả xe cứ thế dong theo đường bờ biển tiếp tục hướng lên phía bắc Quảng Trị. Thiên nhiên hóa ra cũng không bỏ quên Quảng Trị, khi dọc đường tôi đi là những bờ biển xanh rì với bao nhiêu là cảnh vật hiện ra.

Mũi Hàu – bãi đá Hoa.

Tên gọi Mũi Hàu xuất phát từ sự phong phú của các loại hàu bám trên các tảng đá ở đây. Bãi đá Hoa có lẽ ám chỉ đến vẻ đẹp tự nhiên và sự đa dạng của các tảng đá với các hình thù kỳ lạ như những bông hoa muôn màu sắc.

Tôi thấy bất ngờ khi chẳng có bất cứ một thông tin nào về nơi này cả. Cứ như thể tất cả mọi người đều đã bỏ qua một địa điểm đáng được biết đến vậy.

Mũi Si.

Thẳng tiến theo đường 573, hay nhánh trục đường 9, tôi lại bắt gặp một nơi đáng dừng chân nữa.

Mũi Si với bờ biển cong vút ẩn mình trong rặng phi lao như muốn trốn khỏi tầm quan sát của con người. Tôi để xe bên ngoài, mặc kệ nó một chút, và đi vào trong để tận hưởng không khí mát lành của gió biển trong tiết trời nắng nóng.

Mũi Lò Vôi.

Tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Không nghĩ rằng ở Quảng Trị lại có nhiều mũi đất nhô ra, tạo nên những bãi biển đẹp đến như vậy. Cứ ngồi trên xe vài phút là tôi lại phải dừng xe, tắt máy. Nhưng mà sự phiền phức này thật đáng để trải nghiệm.

Ở đây có bãi đá mà theo như tôi tưởng tượng thì khi thủy triều xuống có thể đi bộ xung quanh được. Rong rêu bám trên các tảng đá tạo nên vẻ hoang sơ mà nhiều khi tôi chỉ muốn giữ nơi này cho bản thân mình chứ không muốn chia sẻ cho người khác.

Địa đạo Vịnh Mốc.

Địa đạo Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) được xây dựng từ năm 1965 đến năm 1967 trong bối cảnh chiến tranh ác liệt. Khu vực Vĩnh Linh bị máy bay Mỹ ném bom dữ dội nhằm ngăn chặn sự tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam. Trước tình hình đó, người dân Vĩnh Linh đã sáng tạo ra hệ thống địa đạo này để bảo vệ mình và tiếp tục cuộc sống, sản xuất dưới lòng đất.

Địa đạo Vịnh Mốc là một hệ thống hầm ngầm phức tạp với tổng chiều dài khoảng 2 km. Địa đạo gồm ba tầng, sâu từ 10 đến 23 mét dưới lòng đất. Tầng thứ nhất sâu khoảng 12 mét, tầng thứ hai sâu khoảng 15 mét, và tầng thứ ba sâu khoảng 23 mét. Hệ thống địa đạo bao gồm các lối đi chính và phụ, các kho chứa, phòng ngủ, bếp, phòng họp, bệnh viện dã chiến và giếng nước. Mỗi phòng đều được thiết kế đủ không gian để đảm bảo cuộc sống cơ bản cho người dân dưới lòng đất. Địa đạo còn có hệ thống thông gió tự nhiên để đảm bảo không khí lưu thông.

Người dân nơi đây đã sống, làm việc và sinh hoạt dưới lòng đất trong nhiều năm. Họ tiếp tục sản xuất nông nghiệp, dệt may, và làm các công việc hàng ngày trong điều kiện khó khăn. Họ cũng tổ chức học tập, họp hành và duy trì các hoạt động văn hóa. Địa đạo Vịnh Mốc không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là nơi bảo vệ an toàn cho hàng trăm người dân trước những cuộc ném bom ác liệt của quân đội Mỹ. Và, không có bất kỳ trường hợp tử vong nào do bom đạn trong suốt thời gian mọi người sống trong địa đạo.

Lại đến giờ cái bụng của tôi sôi sùng sục, có lẽ suất bún hến trước đó vẫn là chưa đủ đối với tôi. Sau khi đã đi hết khu địa đạo, tôi rời khỏi nơi này và đến chợ Vịnh Mốc để ăn uống và tìm chỗ nghỉ ngơi.

Tôi thắc mắc về món ăn được gọi là cháo vạt giường vì cái tên quá đỗi khó hiểu của nó. Sau này tôi tìm hiểu thì được biết dân địa phương hay gọi món này là cháo cá, còn người ở phương xa đến thì hay nhắc với cái tên cháo vạt giường. Sở dĩ có cái tên cháo cá vạt giường bởi sợi bột của cháo có hình khối dài giống như chiếc vạt giường. Cháo cá vạt giường được nấu bằng bột gạo, bột lọc hoặc bột mì tùy theo sở thích mỗi người. Phổ biến nhất vẫn là nấu từ bột gạo, gạo được vo sạch và ngâm nước, sau đó xay nhuyễn rồi cho vào những tấm vải sạch, buộc kĩ, dằn đá lên cho khô thành từng tảng lớn. Tiếp theo là nhào thành bột, dùng ống tre, hoặc chày gỗ cán mỏng thành tấm rồi thái đều. Để làm nên món ăn này phải có nguyên liệu chính là cá lóc. Người ta chọn những con cá lóc đồng, to, săn chắc, có màu đen bóng, chắc thịt và tươi ngon. Sau khi làm sạch cá thì để nguyên con luộc, sau đó lóc thịt, xương, đầu, lòng riêng ra, mỗi thứ ướp kỹ cùng với các gia vị khác như muối, tiêu, ném, ớt, nước mắm… để thịt cá thêm đậm đà. Phần xương và đầu cá thì xay nhuyễn và nấu nước dùng. Khi mọi nguyên liệu được chuẩn bị xong, chỉ cần cho ít sợi bột gạo vào tô, thêm một vài lát cá đã ướp sẵn rồi chan nước dùng ninh từ xương cá vào.

Ở Quảng Trị, người ta gọi cá lóc là cá tràu. Tôi không thích ăn thịt cá lóc lắm nên gọi một tô vừa vừa ăn cho qua bữa. Chạy loanh quanh chợ, tôi mua thêm bánh khoái để ăn chơi chơi và không quên kèm thêm một ly nước mía siêu to không lồ.

Ra ngoài bờ biển Vịnh Mốc gần ngọn Hải đăng Mũi Lay, ngồi dưới những tán cây ăn uống xong xuôi, tôi chợp mắt một giấc mơ ngắn ngủi.

Biển Mũi Trèo.

Vẫn dọc theo hướng bắc chạy xe lên trên, tôi lại phát hiện ra một mũi đất nữa ngoài bờ biển. Tuy nhiên, để ra được đó tôi phải chạy lòng vòng đường rừng khá tốn thời gian. Chạy qua một đoạn thấy những bụi dứa rừng hiện ra trước mắt, tôi không khỏi trầm trồ, leo lên chụp ảnh còn được cơ mà.

Đến một đoạn, tôi dừng xe ở mũi đất, trèo từ trên núi xuống để xuống bãi biển. Cảm thấy may mắn vì tôi là một nhà leo núi cũng khá nhiều kinh nghiệm với bảng thành tích dày dằng dặc những ngọn núi ở Việt Nam được chinh phục.

Thấy biển khá sạch tôi định cởi quần áo xuống tắm, nhưng thấy sóng đánh khá mạnh nên tôi lại ngậm ngùi quay lại.

Bãi biển Vĩnh Thái.

Nhưng mà đi bao nhiêu bãi biển mà không tắm thì thật là có lỗi với thiên nhiên, tôi lại tiếp tục chạy xe lên xã Vĩnh Thái. Bờ biển dài, cát trắng, hàng phi lao trải theo hút tầm mắt.

Tôi tắm một trận đã đời.

Ở đây có đồi cát Vĩnh Trung cũng là địa điểm nên đến để chụp vài tấm ảnh, nhưng vì không lái xe được lên đó và cũng một phần tôi muốn quay lại trung tâm để nghỉ ngơi nên tôi quay đầu xe và chạy thẳng về biển Cửa Tùng.


Biển Cửa Tùng.

Trong thời gian Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, biển Cửa Tùng là nơi nghỉ dưỡng yêu thích của các binh lính, quan chức người Pháp. Họ gọi nơi đây là nữ hoàng của các bãi tắm, xây dựng nên rất nhiều biệt thự nghỉ dưỡng với lối kiến trúc cổ điển và hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ.

Bãi biển Cửa Tùng được hình thành trên nền đất đỏ bazan, bên trên phủ một lớp cát trắng, sóng biển vỗ rì rào ngày đêm. Vào những ngày thời tiết đẹp, bầu trời và mặt biển hòa thành một màu xanh trong trẻo, ngút ngàn tầm mắt. Dọc bờ biển lên phía bắc trải qua quá trình phong hóa địa chất với hai bãi đá ngầm lấn sâu ra biển được gọi là Mũi Si và Mũi Lay (những nơi tôi đã ghé qua trước đó). Vì vậy mà đã tạo nên một vịnh nhỏ khuất gió, không có sóng to gió lớn hay các dòng hải lưu lớn chảy ngang, hiền hòa như một hồ nước lớn tĩnh mịch.

Tôi về đến Cửa Tùng vào đúng thời điểm hoàng hôn, mặt nước in bóng những mảng màu sắc đậm nhạt. Tôi nán lại ở bờ biển thêm một lúc nữa, chụp vài tấm ảnh rồi bắt đầu công cuộc đi tìm một nơi ở cho đêm nay thật là hợp lý.

Sau khi đã tắm rửa, nghỉ ngơi một lúc, tôi một lần nữa đi tìm đồ ăn ngon, lần này phải ăn cho thỏa chí thưởng thức mới được. Tôi quyết định đi bộ ra ngoài và tự thử thách mình trong việc lựa chọn một quán ăn đúng chất dân bản địa và cũng phải thật ngon.

Nhìn thấy dọc bờ biển có vài làng chài nhỏ, tôi chắc mẩm kiểu gì cũng có hàng hải sản chất lượng. Bữa đó tôi ăn nhiều món lắm, hải sản cũng khá ổn, nhưng có một món ăn ngon tuyệt hảo mà khiến tôi nhớ mãi là thịt trâu lá trơng. Lá trơng (hay còn gọi lá trơơng) là một loại cây lá gai thường mọc hoang ở vùng rừng núi Quảng Trị. Lá trơng sờ vào thấy cứng, có gai nhọn nhỏ ở rìa lá và phần gân sau. Lá trơng non có mùi thơm và chút cay nồng riêng biệt, thường dùng cuốn với thịt trâu nướng, thịt trâu hấp hoặc thái mỏng khi làm món thịt trâu xào. Thịt trâu được dùng để chế biến phải là thịt trâu non (thịt nghé). Hôm đó tôi đã ăn hết tất cả các món thịt trâu lá trơng có thể mà vẫn cảm thấy mình có thể ăn thêm.

Tôi còn đi ăn thêm bánh đúc rau câu rong biển.

Sau đó, tôi đi bộ dọc bờ biển cho xuôi bụng. Người ta bảo căng da bụng thì chùng da mắt, chỉ một chốc là tôi đã thấy cơn buồn ngủ ập tới.

Tôi về nghỉ sớm để chuẩn bị cho hành trình ngày tiếp theo.


Bài viết có tham khảo và trích dẫn trực tiếp từ Wikipedia, cùng với các nguồn trong và ngoài nước.

lethanhdzuy@gmail.com

Pretium lorem primis lectus donec tortor fusce morbi risus curae. Dignissim lacus massa mauris enim mattis magnis senectus montes mollis taciti accumsan semper nullam dapibus netus blandit nibh aliquam metus morbi cras magna vivamus per risus.

Knock, knock…

The Great Depression of Chris Cornell

Leave a Comment