Đây là Tiếng nói Việt Nam.
Phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Xuân về.
Tiếng loa phường sáng tinh mơ làm tôi bừng tỉnh.
Chạy ra đầu ngõ làm một tô phở bò tái nạm gầu thêm bát trứng trần. Quả thực là mỹ vị nhân gian.
“Phở là một thức quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”. Phở ngon phải là phở “cổ điển”, nấu bằng thịt bò, “nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả”, “rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ.”
Hà Nội băm sáu phố phường – Thạch Lam
Tôi có thể ăn phở từ khi sinh ra đến khi chết đi. Ngồi ở vỉa hè đầu ngõ, trên đầu chằng chịt dây điện, xì xụp húp bát phở nóng hổi. Thêm một ít quẩy giòn.
– Thằng kia uống trà đá không mày?
– Cháu có bác ơi, cho cháu hai cốc, lát thằng bạn cháu ra giờ.
– Nước tao mới đun luôn, chè đặc đấy.
– Úi giời, nay bọn cháu là khách sộp à bác?
– Bảo thằng bạn mày ra ăn nhanh lên đi rồi còn nhường chỗ cho khách sộp khác.
Một lúc sau, thằng bạn tôi đến. Nay tôi hẹn nó đi mua đào.
– Ăn nhanh lên còn đi mua mày, không lại hết cây đẹp bây giờ.
– Tao vừa ngồi đã giục, hay bê bát phở theo luôn nhá.
– Thôi nhanh lên ông tướng ạ.
Hai đứa tôi chạy con Cub 82 đèn vuông lọc cọc mà đi đường ai cũng ngoái lại hỏi “Ê mày có bán không tao mua luôn?” rồi sau đó cười khoái chí hòa vào dòng xe cộ ngày Tết.
Chúng tôi lên phố cổ.
“Rủ nhau chơi khắp Long Thành,
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay,
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy,
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn,
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang,
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng,
Hàng Nón, Hàng Muối, Cầu Đông,
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè,
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre,
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà,
Quanh đi đến phố Hàng Da,
Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh.
Phồn hoa thứ nhất Long Thành,
Đường giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.”
Ca dao, tục ngữ Việt Nam
Người ta bảo chỉ có những người sinh sống lâu đời ở phố cổ mới là người Hà Nội chính gốc. Nhưng về sau mọi thứ thay đổi. Nét đẹp thanh lịch của người Tràng An từ người phụ nữ răng đen nhai trầu sang răng trắng, từ áo tứ thân chuyển sang áo dài, từ khăn vuông mỏ quạ chuyển sang tóc vấn trần…
Đến tận bây giờ cũng đã thay đổi thêm rất nhiều.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, và luôn vỗ ngực tự hào rằng mình là người Hà Nội, chỉ không thanh lịch thôi. Thực ra sau này những người đến Hà Nội kiếm sống đều từ các vùng quê nên sự thanh lịch cũng là một khái niệm tượng trưng.
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,
Dẫu chưa thanh lịch, cũng người Tràng An.”
Ca dao, tục ngữ Việt Nam
Mỗi một phố lại bán một mặt hàng, nên cả khu phố cổ cứ như một cái chợ lớn vậy.
Lượn vài vòng dưới thời tiết mưa phùn nồm ẩm đặc trưng mùa xuân miền Bắc, chúng tôi choáng ngợp trước những món đồ ngày Tết được bày bán la liệt trên vỉa hè hay cả dưới lòng đường. Quyết tâm không ra về tay không, tôi gửi xe và đi bộ vào Hồ Hoàn Kiếm.
“Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?”
Ca dao, tục ngữ Việt Nam
Theo truyền thuyết, trong một lần vua Lê Thái Tổ dạo chơi trên thuyền, bỗng một con rùa vàng nổi lên mặt nước đòi nhà vua trả thanh gươm mà Long Vương cho mượn để đánh đuổi quân Minh xâm lược. Nhà vua liền trả gươm cho rùa thần và sau đó rùa lặn xuống nước biến mất. Từ đó hồ được lấy tên là Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm).
Trước mắt tôi là cảnh người người, nhà nhà nô nức sắm sửa chuẩn bị Tết đến xuân về. Chị em quần áo xúng xính, các bác râu tóc bạc phơ đĩnh đạc trong bộ complet, trẻ con, người già hòa lẫn nhau trong không khí vui tươi.
Chúng tôi quyết định đi tìm mua đào ở chỗ khác vì Hồ Hoàn Kiếm đông đúc đến nghẹt thở. Địa điểm được lựa chọn là vườn đào Nhật Tân.
Khi đến đây thì một khó khăn khác lại xuất hiện, hai thằng ngơ ngác chìm trong hàng trăm cây đào khoe sắc đến nỗi không thể tìm ra được cây nào đẹp hơn cây nào.
– Anh ơi, anh lựa giúp em được không ạ? Giá cả vừa phải thôi anh.
– Đây này, mấy cây này còn nhiều nụ, cánh hồng thắm nhiều cành, mang về nhà các cụ kiểu gì cũng khen nức nở.
– Thế cho bọn em mỗi thằng một cành đi anh.
Mua xong bọn tôi mang mấy cành đào về nhà.
Đã quá trưa, chúng tôi đi ăn ở hàng bún gần chợ Đồng Xuân. Tôi ăn bún đậu mắm tôm, còn thằng bạn tôi ăn bún chả. Hai đứa không quên gọi ra hai ly nhân trần.
Vào hạ.
“Nóng không thể chịu nổi nữa rồi.” Tôi lè lưỡi thở dài. Tiếng ve kêu ra rả khó chịu đến độ làm tôi hình thành nên phản xạ mỗi lần nghe thấy là lại đổ mồ hôi. “Sao có thể nóng đến mức phát rồ như vậy nhỉ?”
Tôi đạp xe đạp lên phố Tràng Tiền để ăn kem.
Kem Tràng Tiền là một thứ gì đó mà tôi không thể mô tả được bằng những từ ngữ kém cỏi của mình. Nó không ngọt lắm, cũng không có vị thanh thanh, ốc quế cũng chẳng giòn rụm thích mê ly. Nhưng nó luôn khiến tôi thèm thuồng. Ngày xưa, phải đạt được thành tựu gì đó to lớn lắm thì mới được bố mẹ đưa lên phố ăn kem. Mà cũng chẳng được ăn nhiều, chỉ một cây kem tươi và chỉ một cây kem ốc quế. Nên mỗi lần được thưởng thức, tôi sẽ mút cây kem đến khi không còn dù chỉ một miếng nhỏ. Đến bây giờ, khi có thể tự do ăn thỏa thích bao nhiêu cây kem cũng được thì tôi vẫn giữ thói quen đó.
Chắc tôi có thể gọi đó là hương vị của tuổi thơ.
– Về mua cho cả nhà nước sấu nhé, bảo người ta cho ít đá thôi, à em nó không uống nước sấu thì mua nước mía cho nó nhé.
– Vâng, con biết rồi.
Tôi chưa muốn về nhà luôn.
Tôi đạp xe vòng quanh Hồ Tây. Dù mùa hè có điên rồ thế nào đi nữa, thì Hồ Tây luôn ở đó, đưa tôi vào dịu êm và lặng lẽ. Dọc trên đường ven hồ là những chiếc xe đạp cũ kĩ chở đầy hoa đủ loại sắc màu.
♪
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18, thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu.
♪
Phượng hồng – Trình Bày: Bằng Kiều, Nhạc: Vũ Hoàng, Thơ: Đỗ Trung Quân
Đâu đó vài thiếu nữ mặc áo dài thướt tha lựa cho mình những bó hoa sen sắc hồng, sắc trắng được xếp gọn gàng. Hoa sen được nâng niu, ép mình bao bọc bởi những lá sen xanh tươi hãy còn ướt đẫm những giọt sương mai.
“Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng.
Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”
Ca dao, tục ngữ Việt Nam
Hình ảnh hoa sen được lấy làm quốc hoa của Việt Nam bởi sự tinh khiết, hương sắc, có sức sống mãnh liệt mà nó đại diện.
Mặt trời bắt đầu đỏ rực lên sau những dãy nhà cao tầng, in bóng từng mảng màu loang lổ lấp lánh gợn sóng trên mặt nước Hồ Tây. Hoàng hôn ở Hồ Tây cũng là một thứ gì đó tôi không thể mô tả bằng lời.
Rời khỏi Hồ Tây, tôi đạp xe về trên con đường Phan Đình Phùng đẹp thơ mộng. Hai hàng cây cổ thụ rợp bóng hai bên đường được ánh nắng cuối ngày chiếu xuyên qua tạo nên những khối đa hình của cuộc sống.
Tôi về nhà, suýt thì quên không mua những thứ mẹ dặn vì đã ngẩn ngơ thơ thẩn trước vẻ đẹp cuối chiều Hà Nội.
– Ê đi nhậu không?
– Bây giờ ấy hả?
– Trời nóng thế này mà không đi làm tí bia hơi thì mày thấy có lỗi với mấy quán nhậu không?
– Đi luôn và ngay. Có mấy đứa?
– Tao, mày, với 4 thằng nữa, vừa đủ mâm cỗ.
– Thôi tao xin, cỗ bàn gì cái thời tiết này.
– Thế đi luôn nhé.
– Đây để tao bảo cả nhà là không ăn cơm cái đã.
– Nhanh cái chân lên, hết bàn bây giờ.
Quán bia tươi quen thuộc của chúng tôi nằm ở ngay Ô Quan Chưởng.
Lịch sử đã ghi chép lại, bản đồ Hà Nội vẽ năm 1866 đời vua Tự Đức chỉ còn 15 cửa ô, không còn ô Nhân Hòa. Thời xưa, đây là các cửa ra vào kinh thành Thăng Long. Ban đêm, tại các cửa ô đều có tuần phiên canh gác, kiểm soát sự ra vào kinh thành. Phần lớn các cửa ô đều thông ra sông Hồng có 11 cửa và sông Tô Lịch ở phía tây có 2 cửa (Ô Đống Mác, Ô Cầu Dền), phía nam có 3 cửa (Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Giấy, Ô Quan Chưởng).
“Sông Tô một dải lượn vòng,
Ấy nên liệt sĩ, anh hùng giáng sinh.
Sông Hồng một khúc uốn quanh,
Văn nhân, tài tử lừng danh trong ngoài.”
Ca dao, tục ngữ Việt Nam
Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn sót lại cho đến ngày nay. Bước vào Ô Quan Chưởng là bước vào phố cổ.
“Long Thành bao quản nắng mưa,
Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đây.”
Ca dao, tục ngữ Việt Nam
Đường từ nhà tôi đến đó cũng không xa, nhưng tôi phải trầy trật mãi mới lết được cái xác đến.
Tắc đường.
Mùi khói bụi, mùi mồ hôi.
Tiếng còi xe.
Xe máy lao lên vỉa hè. Ô tô nhập làn xe máy. Người đi bộ tràn xuống lòng đường.
Tất cả hòa quyện tạo nên nét văn hóa giao thông mà chúng tôi vẫn hay gọi là đặc sản địa phương.
– Mày là người giục anh em, rồi mày cũng là người ra muộn nhất đấy.
– Thì Hà Nội không vội được đâu mà.
– Hà Nội kiểu của mày thì mời anh em mỗi người một cốc bia.
– Được luôn, đang khát đây.
Hai, Ba, Dzô.
Hai, Ba, Dzô.
Hai, Ba, Uống.
Sang thu.
“Bỗng nhận ra hương ổi,
Phả vào trong gió se.
Sương chùng chình qua ngõ,
Hình như thu đã về.”
Sang thu – Hữu Chỉnh
Mùa thu Hà Nội khiến cho bất cứ ai nếu có lỡ ghé nơi này thì đều sẽ ôm mối tình dịu dàng da diết mãi không thôi. Có biết bao nhiêu thi hào đã say đắm và thổn thức khi nhận ra mình có thể hòa hợp với thiên nhiên và đất trời.
Lòng người trở nên xao xuyến với những thứ trước đó chẳng hề đem lại cảm giác xuyến xao.
Có người ví mùa thu là mùa thủ đô thay áo, người khác lại nói là mùa không bao giờ biết giận.
Nhưng mùa thu Hà Nội trong tôi…
Là lãng mạn.
♪ Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó ♪
Hà Nội và tôi – Trình bày: Trọng Tấn, Sáng tác: Lê Vinh
Con đường tôi đi rợp bóng lá vàng rơi như chiếc áo lụa Hà Đông bồng bềnh trong gió. Từng khoảng vỉa hè bừng sáng qua những hàng cây, tia nắng len lỏi vẽ nên bức tranh Đông Hồ của một thủ đô nghìn năm văn hiến.
Dạo quanh con đường Hoàng Diệu, nhặt vài chiếc hoa ban cài lên tóc, nở nụ cười thật đáng yêu như cái cách mùa thu vỗ về.
Phố xưa nhà cổ, nằm kề bên nhau…
Cái hồn mộc mạc, xưa cũ của những ngôi nhà cổ phải chăng chỉ chờ đợi thời điểm này để bảo với bất kỳ ai ngước nhìn lên một thời đạn bom rằng đây mới là vẻ đẹp của chứng nhân lịch sử. Hà Nội trải qua mưa bom bão đạn, khiến cho xù xì, gai góc. Ấy thế mà chẳng cần thêm một ai tô vẽ cũng có thể diện lên kiệt tác của thời gian. Những mái nhà ngói vỡ, những bức tường vàng ngả màu rêu cũ chứng kiến biết bao thăng trầm đổ máu. Mùa thu đến nhắc nhở người Hà Nội rằng hãy yêu thương những gì đẹp đẽ và dung dị.
Hà Nội mùa thu đâu nằm ở mỗi băm sáu phố phường.
“Nhất cao là núi Ba Vì,
Nhất lịch, nhất sắc, kinh kỳ Thăng Long.”
Ca dao, tục ngữ Việt Nam
Ba Vì ngả vàng, gió heo may thổi nắng vào những bông hoa dã quỳ leo lên đỉnh núi. Khó ai trên đường lên đỉnh mà không dừng lại ngắt vài cành hoa. Khó ai trên đường xuống núi mà không vào rừng thông, hít một hơi thật sâu để cảm nhận mùa màng.
“Thủy Tinh dâng nước cao lên đến đâu, Sơn Tinh dâng núi cao lên đến đấy.”
Truyện cổ tích Sơn Tinh, Thủy Tinh
Nơi đây rồng cuộn hổ ngồi, có hồ có núi. Chạy sang bên kia có núi có hồ, nơi Thánh Gióng cởi bỏ mũ áo giáp sắt, cưỡi ngựa bay về trời, núi Sóc linh thiêng.
“Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh 5 lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương 3 lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà 2 nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.
Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”
Chiếu dời đô – Vua Lý Thái Tổ (1010), chép trong Đại Việt Sử ký Toàn thư bởi Ngô Sĩ Liên
Hà Nội là mảnh đất địa linh nhân kiệt như thế đó.
Và mùa thu Hà Nội trong tôi…
Là rạo rực.
Có màu vàng của nắng, và màu xanh của cốm tươi.
“Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ.”
Một thức quà của lúa non: Cốm – Thạch Lam
Thạch Lam sinh ra và mất đi đều ở Hà Nội, nên ông là người mà có thể viết về Hà Nội một cách trìu mến và yêu thương nhất. Nhờ có ông, tôi mới biết hạt cốm là “cái lộc của Trời”, kết hợp với “cái khéo của người” và “sự cố sức tiềm tàng và nhẫn nại của thần Lúa”. Ông đã huy động nhiều giác quan để cảm nhận một cách tinh tế hương thơm của lá sen trong “cơn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên hồ”, “báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và thanh khiết”. Ông nhìn thấy “cánh đồng xanh mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi”. Ông ngửi thấy “cái mùi thơm mát của bông lúa non”. Ông hình dung và tưởng tượng “trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ”.
Và cốm ngon nhất, phải là ở làng Vòng. Cốm vừa giã xong được gói vào tàu lá sen, thơm mùi cỏ cây, như “hạt ngọc thạch”. Không có ở đâu mà làm được hạt cốm dẻo, thơm và ngon như ở làng Vòng.
Người Tràng An thường được nhắc đến là chỉ ăn hương ăn hoa, ăn lấy vị không lấy no. Còn người Hà Nội? Chắc người Hà Nội như tôi thì thường ăn to nói lớn. Tôi thường trộn cốm với hạt dẻ ở Trùng Khánh, Cao Bằng, vì tôi nghĩ phải thế này mới là thưởng thức.
Nhưng có màu xanh của cốm tươi, thì sao mà quên được màu trắng của hoa sữa.
Màu trắng tinh khôi.
Với mùi hương nồng nàn vô cùng đặc biệt cuốn theo chiều gió bay khiến người vô tình nhất cũng cảm thấy xốn xang, ai mà thích nó thì sẽ thích suốt đời và không thích sẽ ghét cay ghét đắng. Hoa sữa cứ như một cô gái kiêu kỳ kén chọn vậy, cuốn theo vài kẻ si mê mãnh liệt nhưng hắt hủi biết bao gã trai không biết si tình.
♪
Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ,
nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu.Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội,
mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió,
mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ,
cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua.Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi.
Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời.Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người,
lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai,
sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi,
sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi.Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, nhớ đến một người …
Để nhớ mọi người.♪
Nhớ mùa thu Hà Nội – Trình bày: Hồng Nhung, Sáng tác: Trịnh Công Sơn
Tôi nhớ mùa thu Hà Nội, và cũng nhớ người con gái đó.
♪
Có phải em là mùa thu Hà Nội,
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm.
♪
Có phải em mùa thu Hà Nội? – Trình bày: Hồng Nhung, Nhạc: Trần Quang Lộc, Thơ: Tô Như Châu
Mọi thứ chìm vào mơ màng, văng vẳng đâu đó tiếng những chiếc xích lô leng keng trên con đường đê gốm sứ vô tận, rồi vang lên inh ỏi nhịp còi hú của chuyến tàu Thống Nhất Bắc – Nam cứ thế kéo dài mãi.
Đông đến.
Tôi và cô ấy, như thường lệ, đi xem lễ Hạ cờ ở quảng trường Ba Đình, phía trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hai đứa đều thạo rất nhiều ngôn ngữ. Nhưng khi ở cạnh nhau, chúng tôi luôn nói tiếng Việt. Tôi đã từng đùa với cô ấy rằng nếu tôi không thể nói được tiếng Việt nữa, tôi sẽ nói tiếng “máu đỏ da vàng”. Lần nào cô ấy cũng cười nắc nẻ dù cho câu đùa này đã nhạt nhẽo lắm rồi.
Cả tôi và cô ấy, đều chảy tràn nhiệt huyết trong máu khi nghe bản hùng ca của đất nước. Dù thực tế hôm đó là một ngày cực kỳ lạnh, nhiệt độ xuống thấp tới mức kỷ lục.
Thực ra, tôi không quá khắt khe với việc ra đường vào thời tiết này.
Tôi ghét cái nóng nực khắc nghiệt của mùa hè Hà Nội. Mọi thứ cứ hầm hập, xì xèo. Nhưng tôi lại yêu cái lạnh của mùa đông. Gió mùa Đông Bắc về, không khí lạnh tăng cường, rét đậm, rét hại. Đó là những câu nói quen thuộc của người dẫn chương trình dự báo thời tiết mỗi ngày.
Biết là thế, nhưng tôi vẫn phải ôm cô ấy thật lâu để cho đỡ bị run cầm cập nơi cửa miệng.
Cô ấy thật ấm áp, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Người cô ấy tỏa ra hương thơm, của bất kỳ loài hoa nào có màu vàng. Nụ cười tỏa nắng có thể xua tan đi tất cả các đợt gió mùa khủng khiếp. Tôi muốn ở bên cô ấy, mỗi ngày. Nhưng tôi lại sợ, tôi sợ mình không đủ khả năng sưởi ấm ngược lại cho cô ấy. Tôi cũng chẳng biết từ bao giờ cái nỗi sợ này hình thành và lớn dần.
– Đi ăn gì đó cho ấm người đi. – Cô ấy cắt ngang những dòng suy nghĩ của tôi.
– Ừ, anh biết một hàng cháo sườn siêu chất lượng. Họ mở muộn lắm.
Hàng cháo nằm trong một con ngõ nhỏ đến mức xe máy cũng khó đi vào. Tôi phải để xe của mình bên ngoài cùng hàng tá chiếc xe khác, chấp nhận việc lát nữa phải quay lại lau yên xe, thứ mà kiểu gì cũng dính những giọt sương đêm. Quán này càng về khuya càng đông.
– Em có ăn quẩy không?
– Em ăn một cái thôi. Còn lại anh ăn hết nha, ăn đêm béo lắm, em không ăn nhiều đâu.
Tôi vừa thấy buồn cười vừa thấy dễ thương. Lần nào nghe thấy câu này cũng vậy.
– Được rồi, cá chắc là tí nữa trên đường về lại đòi ăn cái gì đấy cho xem.
– Anh không phải mỉa mai em. Không sợ em dỗi à?
– Có sợ. Nhưng mà anh cũng muốn được thấy. Em dỗi đáng yêu lắm!
– Anh chờ đấy.
Tôi giải quyết xong hết tô cháo của mình từ khi nào, trong khi cô ấy vẫn đang ngồi kiểm tra rà soát công việc.
– Đêm rồi mà vẫn phải làm à?
– Làm việc chăm chỉ thì sau này mình mới sống thoải mái được chứ.
– Anh cho phép em lười, anh sẽ cố gắng chăm chỉ thêm phần của em nữa. – Tôi nói với quyết tâm cao độ dù rằng tôi cũng không dám chắc mình có đủ khả năng không nữa.
Hình như tôi chẳng có mục đích sống cụ thể. Giữa một Hà Nội đô thị phồn hoa xô bồ, tôi chẳng màng đến tiền bạc, danh tiếng, hay địa vị. Dường như tôi thích lao đầu vào chỗ chết. Tôi hay mạo hiểm, tôi làm bất kỳ việc gì khiến mình cảm thấy được chinh phục. Kể cả làm đi làm lại một việc gì đó, miễn là vẫn có cảm giác sục sôi chảy trong người. Chắc đó cũng là lý do cho việc tôi thích thời tiết lạnh giá như nào, vì nó có thể cân bằng trạng thái cơ thể của tôi.
– Ê em nghe thấy âm thanh này quen thuộc lắm, em không ăn cháo nữa đâu. – Một lần nữa cô ấy cắt ngang những dòng suy nghĩ của tôi.
– Ê đợi anh đã, đã gửi tiền đâu mà, đi đâu vội thế.
– Anh gửi tiền rồi xong ra là biết liền.
Xôi lạc, bánh khúc đây.
Bánh khúc đây.
Làm sao mà tôi có thể quên được tiếng rao này cơ chứ? Nhưng mà ừ nhỉ, tôi mải mê suy nghĩ lung tung quá rồi, không nghe thấy cái âm thanh yên bình này dù cho nó đã đến rất gần. Đã có một quãng thời gian tôi bị ám ảnh với tiếng rao đêm này.
Nhớ những đêm thức khuya xem bóng đá, tôi canh đến tận nửa đêm để chờ âm thanh này xuất hiện, chạy ào ra mua vài chiếc bánh khúc. Có hôm thì làm gói xôi lạc đổi gió. Thế là đêm đó “ấm” rồi. Đơn giản vậy thôi nhưng lại trở thành kỉ niệm khó có thể nào quên.
– Anh thấy lựa chọn của em sáng suốt chưa?
– Dạ vâng, thưa bộ trưởng bộ ăn uống.
Cô ấy lườm nguýt tôi một cái rồi lấy hai tay đỡ lấy hai chiếc bánh khúc.
– Con cảm ơn cô ạ, bánh còn nóng hổi quá. – Cô ấy nói.
Cô bán bánh khúc gật đầu rồi đạp xe đi tiếp, không chờ cho tôi kịp hỏi chuyện.
– Ủa em ơi, em gửi tiền cô chưa? Ví em vẫn để trong túi anh mà?
– Em gửi rồi, lục trong túi áo phao thấy còn tờ năm mươi nghìn đồng, em đưa cô luôn rồi bảo cô không cần phải trả tiền thừa nữa.
– Bộ trưởng thật là biết quan tâm đến người dân nha. – Tôi lại đùa.
– Cầm lấy bánh của anh đây này, nguyên thứ trưởng bộ đùa dai ạ.
Sao cô ấy có thể ấm áp đến vậy cơ chứ? Tôi có phải là người phù hợp để ở bên cô ấy sau này không? Tôi cảm thấy mình đang ngồi với một người vô cùng vĩ đại. Cái khao khát tò mò về vũ trụ của tôi làm sao sánh bằng con người này được.
– Anh muốn kể cho em nhiều câu chuyện quá, nhưng giờ chưa phải lúc.
– Thế khi nào thì đến lúc?
– Em phải hứa là em vẫn ở đây với anh nhé, anh sẽ kể câu chuyện bằng cả một đời anh.
– Được rồi…
Ăn xong, tôi đưa cô ấy về nhà.
– Đừng về vội, em chưa muốn về luôn.
– Thế lượn lờ thêm chút nữa nha.
– Cho anh toàn quyền quyết định.
Tôi vẫn thường chạy xe máy một mình vào ban đêm, hàng chục lần rồi. Phố phường Hà Nội về đêm thật khác lạ. Nó vừa ngổn ngang, lại vừa trật tự. Ánh đèn đường còn chẳng sáng bằng chiếc đèn xe của tôi. Tôi nguyền rủa thành phố này không biết bao nhiêu lần. Nhưng tôi lại yêu nó đến thế. Thành phố nơi tôi sinh ra và lớn lên. Chắc chắn sẽ có ngày tôi chạy xe vòng quanh thế giới. Và trở lại nơi này. Sinh ra và chết đi, phải cùng một nơi.
– Anh đưa em đi đâu đấy?
– À anh chạy theo thói quen thôi mà.
Chẳng biết từ bao giờ, hai đứa chúng tôi đã lên cầu Long Biên.
– Anh bắt cóc em đấy à?
– Người Hà Nội nào lại bắt cóc người Hà Nội vậy?
– Không, anh phải hứa không được bắt cóc em… ra khỏi thành phố này!
– Rồi, anh xin hứa.
– Nói lại đi.
– Anh xin hứa, anh xin hứa, anh xin hứa.
– Sao anh nói nhiều thế?
– Anh hứa đủ ba lần.
– Đâu, bốn lần rồi.
– Ừ thì bốn lần.
Tôi đưa cô ấy chạy vòng quanh thành phố. Tôi không chán việc này, khi còn một mình. Và giờ đây, khi có người khác ngồi sau, tôi càng cảm thấy hạnh phúc hơn.
– Em muốn hát cho anh nghe.
– Anh đã chờ đợi điều này từ lâu rồi. Hát thật to vào để anh nghe thấy nữa.
…
– Ơ sao em chưa hát?
– Em không muốn hát nữa…
– Nào, có biết anh đợi để nghe em hát từ lâu lắm rồi không?
– Em không hát được đâu.
– Được rồi, lượn thêm vòng Hồ Tây rồi anh hát cho em nghe.
“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.”
Ca dao, tục ngữ Việt Nam
Hồ Tây vẫn lộng gió, bất kể mùa nào. Về đêm, nó thật tĩnh lặng. Tôi dường như thấy đại dương trong lòng Hà Nội.
– Lạnh không, đút tay vào áo anh đi.
– Tìm mãi không thấy đây này.
– Đây, để anh chỉ cho.
♪
Em đẹp không cần son phấn,
Xinh thầm xinh, thật xinh, rất hiền.
Không quần jeans, giầy cao gót,
Em chọn riêng mình em áo dài duyên dáng.Giống như hoa kia bên thềm, ngát hương không khoe sắc màu,
Ngàn đóa hoa đang rực rỡ không sánh bằng.
Nhẹ nhàng tung bay tà áo dài, em phụ nữ Việt,
Ánh lên bao rạng ngời người phương Đông.Người đẹp dáng xinh, hay vì anh đang ngập tràn hạnh phúc,
Bên em bừng lên khúc xuân xanh ngời.
Người con gái Việt, mặc chiếc áo dài,
Đẹp khắp bốn phương, một nét Á Đông.Em đẹp không cần son phấn,
Xinh thầm xinh, thật xinh, rất hiền.
Không quần jeans, giầy cao gót,
Em chọn riêng mình em áo dài duyên dáng.Giống như hoa kia bên thềm, ngát hương không khoe sắc màu,
Ngàn đóa hoa đang rực rỡ không sánh bằng.
Nhẹ nhàng tung bay tà áo dài, em phụ nữ Việt,
Ánh lên bao rạng ngời người phương Đông.Người đẹp dáng xinh, hay vì anh đang ngập tràn hạnh phúc,
Bên em bừng lên khúc xuân xanh ngời.
Người con gái Việt, mặc chiếc áo dài,
Đẹp khắp bốn phương, một nét Á Đông.Một ngày nơi xa, chiều buồn lang thang tình cờ ngang qua,
Một tà áo trắng, một bờ vai xinh tôi không quen.
Lòng chợt ấm áp gửi làn gió nói về miền yêu thương,
Tôi yêu em, tôi nhớ em.Người đẹp dáng xinh, hay vì anh đang ngập tràn hạnh phúc,
Bên em bừng lên khúc xuân xanh ngời.
Người con gái Việt, mặc chiếc áo dài,
Đẹp khắp bốn phương, một nét Á Đông.Người đẹp dáng xinh, hay vì anh đang ngập tràn hạnh phúc,
Bên em bừng lên khúc xuân xanh ngời.
Người con gái Việt, mặc chiếc áo dài,
Đẹp khắp bốn phương, một nét Á Đông.♪
Em trong mắt tôi – Trình bày, sáng tác: Nguyễn Đức Cường.
Tôi hát vì tôi đã hát bài hát này cả trăm lần. Tôi hát ở Hà Nội. Tôi sẽ vẫn tiếp tục hát. Vì tôi yêu việc hát. Và tôi yêu Hà Nội. Và tôi yêu em.