Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điển hình mẫu mực về sự tự rèn luyện. Từ thời niên thiếu đến khi trở thành Chủ tịch nước, Bác không ngừng đấu tranh hoàn thiện bản thân mình. Bác luôn kiên trì rèn luyện, lâu dần thành nếp sống, thành thói quen.
Tuy nhiên Bác tự nhận mình có thói quen xấu là hút thuốc lá. Bác từng nói, ở đời, ai cũng là người thường, không có ai là thần thánh, nghĩa là “nhân vô thập toàn”, không có ai hoàn hảo cả. Đã sống ở đời thì ai cũng có khuyết điểm.
Vậy Bác hút thuốc từ bao giờ?
Theo các tài liệu ghi chép lại, Bác Hồ được cho là đã bắt đầu hút thuốc từ khi còn ở Paris, Pháp vào những năm 1920. Lý do vì sao Bác Hồ lại hút thuốc không được rõ ràng, nhưng có nhiều giả thuyết được đưa ra.
Có một số người cho rằng Bác Hồ bắt đầu hút thuốc để giảm thiểu phần nào những căng thẳng và lo âu trong suốt cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Theo như giả thuyết này, việc Bác hút thuốc đơn giản được coi là một hình thức giải tỏa tâm lý khỏi trạng thái căng thẳng trong những thời điểm khó khăn.
Nhưng cũng có một số nguồn khác nói rằng Bác hút do tình cờ.
“Thuốc lá! Lá vàng như lụa, đường như mật,
Thuốc lá – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nụ cười trong khói thuốc, tâm hồn lững lờ.
Bao năm trải qua, đam mê không phai mờ,
Chuỗi ngày vui vẻ, bên chiếc đuốc đang tàn.”
Theo đồng chí Vũ Kỳ, nguyên thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh kể lại, Bác Hồ hút thuốc lá rất nhiều. Việc hút thuốc lá liên quan tới hoạt động cách mạng của Người trong những năm 20 của thế kỷ XX khi Người mang tên Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Vũ Kỳ đã được Bác Hồ tâm sự rằng trong những năm ở Pháp, Người là một thanh niên kháng Pháp nên luôn bị mật thám Pháp theo dõi ở khắp mọi nơi. Người biết bị theo dõi mà không dám quay đầu lại nhìn. Để có thể quan sát được sự theo dõi, Người nghĩ ra cách hút thuốc. Mỗi lần như vậy, đi qua thùng đựng rác ven đường cách khoảng ba bước chân, Người dừng lại châm thuốc hút, rồi quay lại thùng rác để vứt que diêm, như vậy là Người có dịp quan sát xung quanh, liệu cách đối phó với kẻ theo dõi. Do giả vờ hút thuốc mãi mà đã trở thành thói quen của Người.
Trong một bài phỏng vấn họa sĩ Phan Kế An, chúng ta có thêm thông tin là Bác hay hút loại Craven A trong khoảng thời kỳ đầu làm Chủ tịch nước. Theo một vài nguồn khác, hồi còn ở nước ngoài, Bác cũng hay hút loại State Express 555, hay còn được gọi dân dã ở Việt Nam là “ba số”, cũng là một hãng rất phổ biến hồi những năm 1930. Còn đối với thuốc hàng nội, Bác đặc biệt thích Dalat, chứ không chọn các hiệu phổ biến thời đó như TH, Phụng Hoàng, Trung Nguyên hay Hà Tây.
Năm 1957, trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày Cách mạng tháng Mười Nga thành công, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã sản xuất loại thuốc lá có đầu lọc để biếu các đại biểu dự đại hội. Đây là loại thuốc mà Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng, hiệu Yellow Crane Tower. Loại thuốc có đầu lọc này nhẹ và ngon hơn loại thuốc của Mỹ và Pháp sản xuất vốn nặng và thường pha thuốc phiện. Các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc đã biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh hộp thuốc lá này, có lẽ vì cũng biết Người thích hút loại đó. Khi hết thuốc, đồng chí Vũ Kỳ đã giữ lại chiếc hộp để đựng các loại thuốc lá khác cho Người hút vì hộp rất vừa và thuận tiện để bỏ túi. Về sau, Trung Quốc sản xuất loại thuốc lá Seo Mao (Gấu Mèo) chuyên dùng cho Chủ tịch Mao Trạch Đông, và ông đã đích thân gửi biếu cho Bác. Từ đó mà Bác bắt đầu hút thuốc này.
Nói đến những câu chuyện liên quan tới bao thuốc lá của Bác, nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan kể lại, có lần ông đến phiên dịch cho Bác, trong khi chờ khách đến, Bác mở bao thuốc, lấy một điếu cùng một mảnh giấy trong đó, vừa rít thuốc vừa lẩm nhẩm đọc. Khi ấy, ông không dám hỏi Bác đang đọc gì, chỉ nghe loáng thoáng thấy tiếng Nga. Bác thường để một mảnh giấy trong bao thuốc, trên đó có ghi 10 từ tiếng Nga. Mỗi ngày Bác hút một bao, khoảng 20 điếu, cứ mỗi lần hút một điếu là lại nhẩm đọc từ mới, rơi rụng đi cũng học được 5-7 từ. Cũng bởi vậy mà ngoại ngữ của Bác rất tốt, cả tiếng nước ngoài lẫn tiếng dân tộc. “Tôi thấy có 2 nhà lãnh đạo của ta nói tiếng dân tộc rất giỏi là Bác Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hai cụ nói chuyện với bà con người Tày thì nói tiếng Tày, với người Nùng thì nói tiếng Nùng”, đồng chí Vũ Khoan kể lại.
“Nghị quyết” về thuốc lá của Bác Hồ.
Năm 1967, sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yếu đi nhiều, Người hay mệt và ho. Lo cho sức khoẻ của Người, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho các bác sĩ phải chăm sóc Người thật tận tình, chu đáo. Các bác sĩ đã đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh không hút thuốc lá nữa. Sau đó Bác nói:
– Bác hút thuốc từ lúc còn trẻ nay đã thành thói quen, bây giờ bỏ thì tốt nhưng không dễ, các chú phải giúp Bác bỏ tật xấu này.
Người nói với đồng chí Vũ Kỳ rằng:
– Các bác sĩ bảo Bác không hút thuốc lá nữa thì chú thấy thế nào?
Đồng chí Vũ Kỳ trả lời:
– Các bác sĩ lo cho sức khoẻ của Bác là điều tốt, tôi tán thành.
Người lại nói:
– Bác đã hút thuốc gần 50 năm, bỏ cũng được, nhưng bỏ thì vẫn ho chứ không phải là hết ho.
Và Người kể cho đồng chí Vũ Kỳ nghe một câu chuyện cười của Pháp là “bỏ thuốc rất dễ, có người bỏ hút thuốc 50 lần nhưng vẫn hút lại, tức là sau mỗi lần bỏ dễ bị hút lại. Nhưng bác sĩ yêu cầu thì nên thôi, chú quản cho Bác”. Từ đó đồng chí Vũ Kỳ bỏ hộp thuốc vào túi, thỉnh thoảng đưa cho Người hút một điếu.
Rồi sau đó Bác tự đề ra chương trình bỏ thuốc dần dần. Lúc đầu là giảm số lượng điếu hút trong ngày. Khi thèm hút thuốc, Bác làm một việc gì đó để thu hút sự chú ý, tập trung. Tuổi đã già phải làm như vậy thật quá vất vả. Tập một thói quen, bỏ một thói quen không dễ chút nào. Phải có một nghị lực phi thường mới làm được. Bác bảo đồng chí giúp việc để cho Bác một vỏ lọ Penicillin ở nơi làm việc và phòng nghỉ. Hút chừng nửa điếu Bác dụi đi để vào lọ đó. Sau hút lại nửa điếu để dành. Anh em can bảo thuốc lá hút dở không có lợi, Bác bảo:
– Nhưng hút để có cữ.
Việc bỏ thuốc lá của Hồ Chủ tịch không phải nói là chấm dứt ngay được mà phải trải qua một quá trình như khi làm bất cứ một việc gì khác. Đó là phải đặt ra kế hoạch, có quyết tâm và biện pháp thực hiện. Người nói, “quyết tâm một, kế hoạch mười, thì biện pháp phải hai mươi, có như vậy mới thực hiện được và bỏ hút thuốc cũng vậy”.
Tuần thứ nhất, mỗi lần Người hút 2/3 điếu (một ngày nhiều nhất là 10 điếu), mỗi lần hút xong cho vào lọ Penicillin thì tắt luôn để nhìn thấy đúng 2/3 thì dừng lại không được hút nữa.
Tuần thứ hai, Người hút 1/2 điếu rồi bỏ vào lọ.
Tuần thứ ba, Người hút 1/3 điếu rồi bỏ vào lọ.
Đến tuần thứ tư, Người hút mấy hơi rồi bỏ vào lọ.
Với cách làm đó, Bác đã giảm từ cả bao xuống còn ba, bốn điếu một ngày. Cứ như vậy Bác hút thưa dần.
Đầu tháng ba năm 1968, Bác bắt đầu bị cảm, ho nặng hơn. Nhân dịp, Bác quyết định tự bỏ thuốc lá luôn. Tất nhiên là rất khó chịu, ai cũng thông cảm cho Bác, nhưng khi ấy, Bác ho nhiều, đặc biệt về chiều tối và đêm khuya. Từ đó mà các đồng chí lãnh đạo cấp cao giao ước với nhau một “Nghị quyết”, rằng không ai được hút thuốc lá trước mặt Bác, tuyệt đối giữ bí mật không được để cho Bác biết. “Nghị quyết” được bàn bạc và thông qua rất nhanh, nhưng cũng như tất cả các nghị quyết khác, rất khó khăn trong thực hiện. Nhiều người hút thuốc đã lâu thành ra nghiện, bấy giờ suốt ngày làm việc bên Bác, không được hút thuốc thành ra thèm, nhưng thương Bác nên cố mà nhịn thôi. Nhưng Bác biết hết. “Tại sao mấy tuần nay trong phòng họp lại tuyệt nhiên không có ai hút thuốc cả, không có làn khói thuốc nào là sao? Nét mặt mọi người ai cũng có vẻ buồn như thế?” Vậy là Bác gọi ngay đồng chí Vũ Kỳ vào.
Bác nói:
– Chú Kỳ ạ! Bác có một việc riêng, muốn nhờ chú, chẳng biết chú có giúp được không?
– Xin Bác cứ nói, cháu sẽ làm ngay mà. – Vốn rất hồn nhiên, đồng chí Vũ Kỳ trả lời Bác.
– Bác muốn xin chú bao thuốc.
Nghe Bác nói vậy đồng chí Vũ Kỳ mới thấy khó xử quá. Đã chót hứa với Bác rồi mà Trung ương lại dặn, không được để Bác hút thuốc, biết làm sao bây giờ.
Không đi lấy thuốc cho Bác thì thương Bác, mà để Bác hút thì có lỗi với Trung ương. Thôi đành nói lảng sang chuyện khác để Bác quên nhưng Bác có quên đâu.
Bác nhắc lại:
– Bác muốn xin chú bao thuốc, chú nghe có rõ không?
Rồi Bác giải thích:
– Bác không hút đâu vì Bác quyết giữ lời hứa với Trung ương, với chú nữa. Nhưng Bác có việc, chú có giúp Bác được không?
Khi đã rõ rồi, đồng chí Vũ Kỳ mới yên tâm, vội đi lấy ngay bao thuốc đưa Bác.
Sáng hôm sau, Bác chủ trì buổi làm việc với các đồng chí trong Ban Bí thư. Bác bóc bao thuốc lá và nói:
– Bác đã biết cái “Nghị quyết” của các chú rồi. Bây giờ Bác mời các chú hút thuốc. Bác mong các chú cứ thoải mái, tự nhiên như trước đi, đừng vì Bác mà khổ thế.
Bác lại ân cần đưa từng điếu thuốc cho mỗi người, còn Bác, Bác không hút. Cầm điếu thuốc Bác cho mà ai cũng chỉ muốn khóc vì thương Bác quá. Về sau rất nhiều đồng chí đã bỏ hẳn thuốc, từ tác động tấm gương của Bác.
Thưởng thức “nhị vật” nhân gian.
Đối với Bác, trên thế gian này có “nhị vật” là tuyệt phẩm của thế gian, ấy là thuốc lá và rượu. Cách Bác thưởng thức “nhị vật” cũng hết sức thanh tao. Đối với “tửu”, theo như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và người phục vụ các bữa ăn của Bác, ông Đặng Văn Lơ kể lại, Bác thường dùng một chiếc ly nhỏ màu trắng, có xuất xứ từ Nhật Bản để uống rượu trong các bữa trưa và bữa tối. Rượu mà Bác thường uống sẽ là rượu mạnh hoặc rượu thuốc. Còn khi dùng rượu vang, vang đỏ sẽ là lựa chọn của Bác, nhất là vang Bordeaux, đôi khi đổi vị thì dùng rượu nho được sản xuất tại các nước châu Âu. Khi sức khỏe yếu dần, Người có tâm sự với các đồng chí rằng:
– Bác chỉ có “nhị vật” làm vui, bây giờ các chú bảo Bác bỏ hết thì Bác còn gì nữa.
“Thuốc không rượu chẳng có mừng Xuân,
Bài thơ không đề về “nhị vật” – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bỗng chốc thi nhân hóa tục nhân.
Mơ thấy thuốc thơm và rượu ngọt,
Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần.”
Tết Mậu Thân năm 1968 là một cái Tết đặc biệt với quân và dân ta sau cuộc tổng tiến công miền Nam làm rung chuyển cả đô thành Sài Gòn. Tới khi ấy, Bác thèm lắm một điếu thuốc lá mà không có, thi hứng tới, bài thơ chữ Hán cuối cùng của Người ra đời.
“Tam niên bất ngật tửu suy yên,
Bài thơ không đề – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhân sinh vô bệnh thị thần tiên.
Hỷ tín Nam phương liên đại thắng,
Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên.”
Tạm dịch như sau:
“Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm,
Bài thơ không đề – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần.
Mừng ấy miền Nam vui thắng lớn,
Một năm là cả bốn mùa Xuân.”
“Đến giờ này Bác vẫn chưa có bác gái, chứ không phải Bác không có bác gái…”
Bác đã nói vậy khi một chiến sĩ hỏi bác tại sao bác không lấy vợ. Bác nói chuẩn lắm, khéo lắm, mà lại đúng với cuộc đời của Bác.
Cả tuổi trẻ cho đến khi trung niên rồi về già, Bác hy sinh cho việc nước, hy sinh cho đại cục của dân tộc. Bác hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình cho đất nước cũng vì một lẽ cả đất nước đều đã là gia đình của Bác rồi.
Trong một lần họp Trung ương, Bác đùa:
– Còn nếu Bác không có bác gái thì đó là lỗi của Hội Phụ nữ các cháu chứ không phải khuyết điểm của Bác.
Bác nói vui vậy thôi nhưng chị em phụ nữ trong Trung ương lại tưởng thật, xúc động quá lại triệu tập ngay nhiều cuộc họp bất thường để bàn về việc cưới vợ cho Bác. Nhưng cứ cử ai đi thăm dò chưa kịp hiểu đầu đuôi tiêu chuẩn thế nào là đã khóc ra về vì biết được những nung nấu về những câu chuyện trong tâm nguyện của Bác. Nhưng mà chị em phụ nữ cũng kiên trì, cử ngay một bà tính tình mạnh mẽ lên hỏi, vừa vào bà đã hỏi như ra lệnh:
– Thưa Bác, đề nghị Bác cho biết ngay lập tức tiêu chuẩn chọn người yêu của Bác là thế nào?
Bác phê bình ngay:
– Các cô lại giục Bác lấy vợ rồi. Bác thì Bác chỉ có một tiêu chuẩn thôi, các cô phải kiếm cho Bác một cô vợ đẹp, đẹp như tiên, thậm chí hơn tiên thì càng tốt.
Mọi người ở dưới từ hy vọng lại chưng hửng vì đào đâu ra người đáp ứng tiêu chuẩn của Bác. Bác đặt ra thứ tiêu chuẩn không có thật để từ chối khéo nhã ý của mọi người. Qua câu chuyện lại thấy Bác con người như thế nào.
Ngay cả thời kỳ ở nước ngoài, các bạn bè quốc tế rất yêu quý Bác cũng giục bác lấy vợ, “phải lấy vợ đi, có gia đình đi để mà yên tâm hoạt động lâu dài”.
Bác lại bảo:
– Nếu các anh ủng hộ Việt Nam độc lập thì tôi sẽ lấy vợ.
Bác sang Pháp làm chính trị, họ thấy nguyên thủ quốc gia mà không có phu nhân đi cùng nên tò mò hỏi:
– Việt Nam độc lập rồi sao vẫn chưa lấy vợ?
Nhưng Bác phản bác lại ngay:
– Việt Nam đã hoàn toàn độc lập đâu mà lấy vợ.
Bác đáp lời vậy vì thời kỳ đó vừa đọc Tuyên ngôn Độc lập thì tiếng súng lại tiếp tục nổ tại miền Nam.
“”Nghĩ chẳng ra thơ để trả lời,
Những câu thơ bác gửi từ Pháp về Việt Nam cho cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Nhớ ơn cụ lắm cụ Huỳnh ơi.
Non sông một mối chung nhau gánh,
Độc lập xong rồi cưới vợ thôi.”
– Cả nước gọi Bác là Bác, thì Bác biết lấy ai bây giờ.
Bác phân trần bộc bạch hài hước về cái danh phận của mình.
Thế mà Bác còn ngồi dự giờ cố Tổng bí thư Lê Duẩn khi ông đang giảng lý luận cho cán bộ cao cấp về tính đại đoàn kết.
Cố Tổng bí thư dẫn ra một câu:
– Thuận vợ thuận chồng, bể Đông tát cạn.
Thuận bề thuận bạn, tát cạn bể Đông.
Bác mới cười và nói rằng:
– Bác có mỗi một mình Bác thôi. Bác phải biết thuận với ai ở đây bây giờ?
Bác bổ sung thêm:
– Phải có đôi các chú ạ. Không có đôi nó lẻ loi lắm. Mà Bác không có đôi thì Bác xin làm việc bằng hai để bù lại. Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt.
Bác cũng giống như mỗi chúng ta, đều có nhu cầu cá nhân riêng, nhưng Bác vĩ đại và cao cả vì Bác nghĩ đến tương lai của cả một đất nước đang phải gồng mình đấu tranh chống lại quân xâm lược. Bác muốn tập trung cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, có thể bằng cả đời cuộc đời Bác.
Vì vậy, người dân Việt Nam, ai cũng hiểu và xót xa cho lý do vì sao không lấy vợ của vị cha già vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước, kết hợp với kiến thức của bản thân. Các nguồn tài liệu chủ yếu đến từ sách Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ, Chuyện thường ngày của Bác Hồ, các thông tin từ khu di tích chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tàng Hồ Chí Minh và từ chuyện kể của Giáo sư Hoàng Chí Bảo.